Chọn chuột cho máy tính thì cần quan tâm tới các thông số nào? | Công Store Review
Nhiều anh em khi lựa chọn 1 dòng chuột thì luôn phải đắn đo tham khảo tìm hiểu tư vấn mất rất nhiều thời gian mới lựa được 1 em chuột phù hợp với bản thân. Vì vậy hôm nay mình xin giúp anh em thôi suy nghĩ mông lung và chia sẻ cho anh em về các thông số quan trọng cần lưu tâm trước khi chọn mua chuột chơi game. Hy vọng sẽ giúp ít nhiều cho anh em.
1/ Độ phân giải tối đa (DPI: Dot Per Inch)
Chỉ số DPI sẽ phụ thuộc vào cấu tạo của mắt đọc. Loại mắt đọc phổ biến nhất trên các dòng chuột gaming cao cấp là từ thương hiệu Pixart. DPI là độ phân giải tối đa chuột có thể đạt tới, đó là số điểm ảnh trên màn hình mà chuột có thể di chuyển được khi bạn rê chuột đi 1 inch trên bề mặt bàn làm việc. DPI càng cao thì độ nhạy của chuột càng lớn, nghĩa là bạn có thể di chuyển được nhanh nhạy hơn trên màn hình mà chỉ cần một thao tác rất nhỏ trên bàn.
Số DPI cần thiết cho đa phần các nhu cầu sử dụng kể cả chơi game là khoảng 2000 DPI trên màn hình full HD. Nhưng anh em có thể thấy các chuột gaming hiện đại bây giờ có thông số DPI lên tới 20.000 DPI hoặc thậm chí hơn, mình thì thấy nó chỉ mang tính tương đối và quảng cáo là chính thôi, còn lại thì có thể hiểu nôm na các mẫu chuột có mức DPI cao thường độ nhiễu ở những dải DPI thấp sẽ rất thấp.
2/ Chuột đang dùng loại switch nào?
Cũng giống như bàn phím cơ, bên dưới các phím là các switch, thì bên dưới các nút của chuột cũng có các công tắc này. Loại switch được dùng bên dưới các nút bấm của chuột sẽ quyết định cảm giác gõ của các nút đó, bao gồm cả độ xúc giác, độ nẩy của nút và âm thanh khi click chuột.
Đa phần các chuột cao cấp đang dùng switch Omron tầm trung Kailh và rẻ tiền là Huano, trong mỗi loại switch có rất nhiều loại cho cảm giác gõ và thậm chí tuổi thọ khác nhau. Ngoài ra thì có một số chuột dùng switch riêng độc quyền của hãng, như chuột Realforce dùng switch Topre, chuột Razer có một số mẫu dùng switch quang Opto-Razer cũng của hãng tự làm… Quan trọng nhất vẫn là anh em cần bấm thử và xem loại nào hợp với mình thôi. Nên nhớ không có chuột tốt nhất, chỉ có chuột hợp nhất mà thôi.
3/ Tốc độ theo dõi (IPS: Inch Per Second)
IPS chính là tốc độ theo dõi mà mọi người vẫn thường hay nói tới để luận bàn về cấp độ cao thấp của chuột gaming. IPS là tốc độ di chuột tối đa mà mắt đọc của ch uột có thể nhận ra một cách chính xác. Hiện nay các chuột gaming cao cấp có IPS rất cao, có khi lên tới 650 IPS. Mức IPS càng cao thì anh em ve vẩy chuột càng thoải mái và không bị giới hạn nào về tốc độ, đảm bảo mọi thao tác đều không nằm ngoài khả năng nhận biết của chuột. Chơi game thì tối thiểu phải chọn chuột IPS từ 200 IPS trở lên.
4/ Khối lượng chuột
Chuột nặng hay chuột nhẹ thật ra chỉ là khái niệm tương đối, tùy vào từng người và tùy vào loại game anh em đang chơi. Thường trên 100g được gọi là ‘nặng’, 90-80 được gọi là trung bình, 80-60 được gọi là nhẹ, còn dưới 60 được gọi là chuột siêu nhẹ (ultralight, superlight). Ưu điểm chuột chơi game nặng là giúp thao tác chính xác và cẩn thận hơn, rê chuột êm tay hơn nhưng lại dễ mỏi tay. Chuột càng nhẹ thì càng ít mỏi tay, thao tác nhanh hơn và linh hoạt hơn. Chơi các game AAA thì nên chọn chuột đầm tay có trọng lượng cao một chút để đi cảnh nhẩn nha cho sướng, còn chơi FPS thì nhất định là cần có một chú chuột siêu nhẹ đồng hành.
5/ Tốc độ phản hồi và tần số phản hồi
Tốc độ phản hồi là thời gian từ khi chuột nhận được thao tác của người dùng cho tới khi lệnh có tác dụng lên màn hình. Tốc độ phản hồi càng nhanh (hay còn gọi là độ trễ càng thấp) thì càng tốt. Anh em nào đang đắn đo giữa chuột không dây vs có dây để chơi game thì rất hay để ý độ trễ này. Chuột không dây đời xưa thì không nói nhưng các chuột không dây đới mới, cao cấp thì độ trễ khoảng 1-2ms cũng rất đáng để chọn đấy, nếu anh em không chơi mấy game quá nhanh hoặc chiến eSport. Chuột nào cũng được, có độ trễ từ 1ms trở xuống là ok để chơi game rồi.
Có một thông số liên quan đi kèm cũng khá quan trọng là Tần số phản hồi. Đây là số lần nó báo cáo cho máy tính trong một giây. Mình thấy yếu tố này không quá quan trọng vì nó còn phụ thuộc vào phần mềm của chuột, bản thân set PC và yêu cầu đặc biệt của từng game nữa. Cho nên cái này chỉ để tham khảo thêm thôi.
Kết luận
Nếu hội tủ đủ các thông số như ý mình vừa kể trên, biết rõ mình đang thiên về loại game nào, form chuột hợp, cảm giác gõ như ý và chất liệu làm chuột khiến bạn thoải mái khi tiếp xúc với tay thì còn chờ gì nữa, mua ngay đi nào!
Chúc anh em may mắn và chọn được chuột chơi game đúng ý mình nhé.